Phân loại mức độ (chuẩn) xem xét các vụ kiện của Tòa án Tối cao Liên Bang Luật_Hiến_pháp_Hoa_Kỳ

Tòa sẽ áp dụng một trong ba (3) tiêu chuẩn để xem xét tính hợp pháp (hoặc hợp hiến) của một (hay nhiều) hành vi của chính quyền áp đặt lên một (hay nhiều) công dân dựa trên luật liên bang cụ thể.

Ba tiêu chuẩn

Có ba (3) chuẩn xem xét khác nhau mà Tòa án Tối cao Liên Bang có thể lựa chọn: theo chuẩn "chỉ cần hợp lý" (mere rationality), theo chuẩn "soi xét toàn diện" (strict scrutiny), và theo chuẩn "xem xét ở mức trung bình" (middle-level review)

  • Chuẩn "chỉ cần hợp lý" (mere rationality)

Đây là chuẩn đơn giản nhất. Khi áp dụng chuẩn này, Tòa án Tối cao Liên Bang sẽ giữ nguyên phán quyết của tòa dưới hoặc đồng ý với chính quyền nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện:

  1. Mục tiêu chính đáng của chính quyền: đây là một khái niệm khá rộng, ví dụ như các mục đích về sức khỏe, an toàn hay vì chăm lo đời sống xã hội.v.v. đều có thể được Tòa xem là "chính đáng".
  2. Có liên hệ hợp lý: Tòa chỉ yêu cầu có một mối liên hệ giữa "hành vi của chính quyền" (đang được xem xét) và "mục tiêu chính đáng" đề ra, và hành vi của chính quyền không được phép hành động bất nhất, thiên vị, bừa bãi hoặc vô lý.
  • Chuẩn "soi xét toàn diện" (strict scrutiny)

Đây là chuẩn nghiêm ngặt nhất và khó nhất khi xem xét những hành vi "nặng tay" của chính quyền. Khi áp dụng chuẩn này, Tòa đòi hỏi hành vi "nặng tay" của chính quyền phải đáp ứng đủ 2 điều kiện:

  1. Mục tiêu phải cấp thiết: hành vi này không thể đơn giản như ở chuẩn "chỉ cần hợp lý" mà phải là thực sự cần thiết và mang tính bắt buộc.
  2. Phương thức cần thiết: hành vi này phải thể hiện một phương thức cần thiết để đạt được "mục tiêu cấp thiết" đề ra, nghĩa là chỉ có giải pháp thực hiện hành vi đó mới đạt được "mục tiêu cấp thiết". Trong những trường hợp này, nếu Tòa thấy rằng chính phủ có thể sử dụng những phương thức khác, có những hành vi khác "nhẹ tay hơn" mà vẫn đạt được mục tiêu đề ra thì hành vi "nặng tay" của chính phủ sẽ bị xem là "không cần thiết".
  • Chuẩn "xem xét ở mức trung bình" (middle-level review)

Đây là một chuẩn nằm giữa 2 chuẩn ở trên. Khi đó, hành vi của chính quyền sẽ được xem xét đối chiếu với 2 điều kiện:

  1. Mục tiêu quan trọng: đây là một "mức độ" ở giữa của "chính đáng" và "cấp thiết"
  2. Phương thức có mối liên hệ thực chất: đây cũng là một "mức độ" ở giữa của "liên hệ hợp lý" và "cần thiết".

Hiệu ứng mang lại

Tùy vào sự chọn lựa về "chuẩn xem xét" của Tòa mà trách nhiệm giải trình thuyết phục sẽ rơi vào phía bên nào trong vụ kiện:

  • Trách nhiệm giải trình thuyết phục: đây là trách nhiệm rất nặng nề vì phải thuyết phục các Thẩm phán và trả lời các chất vấn từ các Thẩm phán.
  1. Nếu Tòa chọn chuẩn "chỉ cần hợp lý", thì cá nhân muốn kiện chính quyền phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh trước Tòa rằng hành vi của chính quyền là vi hiến.
  2. Khi Tòa chọn chuẩn "soi xét toàn diện", thì cơ quan chính quyền phải chịu trách nhiệm thuyết phục, chứng minh trước Tòa rằng hành vi của mình là hợp hiến.
  3. Nếu Tòa chọn chuẩn "xem xét mức trung bình", thì thông thường cơ quan chính quyền phải chịu trách nhiệm chứng minh trước Tòa.
  • Ảnh hưởng đến kết quả phán quyết: sự lựa chọn về chuẩn xem xét có thể giúp đoán trước phần nào kết quả vụ kiện.

Thông thường, những vụ kiện mà Tòa áp dụng chuẩn "chỉ cần hợp lý" thì đa số được thuận lợi cho phía chính quyền. Nhưng nếu Tòa áp dụng chuẩn "soi xét toàn diện" thì phần lớn các hành vi của chính quyền sẽ bị xử thua. Còn khi Tòa chọn chuẩn "xem xét mức trung bình" thì kết quả là 50-50 không thể biết trước. Việc chọn loại "chuẩn" nào tùy vào nội dung Hiến pháp liên quan của vụ kiện.

Phương thức chọn lựa tiêu chuẩn

Tùy theo "lãnh vực" của Hiến pháp mà Tòa sẽ chọn những tiêu chuẩn xem xét khác nhau. Sau đây là những kiểu áp dụng chuẩn đối với một số lãnh vực Hiến pháp thường thấy trong quá trình hoạt động của Tòa:

  • Đối với chuẩn "chỉ cần hợp lý" (mere rationality): sẽ là rất khó khăn cho cá nhân nào muốn kiện hành vi của chính quyền là vi hiến. Tòa thường áp dụng chuẩn này đối với các vấn đề về:
  1. Điều khoản Thương mại Ngầm (Dormant Commerce Clause)
  2. Xâm phạm quyền công dân (Substantive due process)
  3. Bình đẳng trước pháp luật (Equal protection)
  4. Các điều khoản Hợp đồng (Contract Clause)
  • Đối với chuẩn "soi xét toàn diện" (strict scrutiny): Sau đây là những lãnh vực của Hiến pháp mà Tòa sẽ xem xét dựa trên những chuẩn mực khắt khe nhất. Tòa thường áp dụng chuẩn này đối với các vấn đề quan trọng như:
  1. Xâm phạm quyền CƠ BẢN của công dân (Substantive due process/Fundamental rights)
  2. Bình đẳng trước pháp luật kết hợp phân biệt đối xử hoặc quyền CƠ BẢN công dân
  3. Tự do bày tỏ, tự do ngôn luận (Freedom of expression)
  4. Tự do tôn giáo, hành đạo (Freedom of Religion/Free Exercise Clause)
  • Đối với chuẩn "xem xét ở mức trung bình" (middle-level review) - chiếm một phần nhỏ nhất trong số các vụ kiện được Tòa xem xét khi phân xử các vấn đề sau:
  1. Bình đẳng trước pháp luật về mặt giới tính hoặc nhân thân (Equal protection/Semi-suspect)
  2. Một số điều khoản về Hợp đồng (Contract Clause)
  3. Tự do bày tỏ mà không liên quan đến nội dung (Free expression/non-content-based)